Liên tục nhiều ngày qua, người dân lẫn du khách đến tham quan xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) tỏ ra thích thú khi liên tục nhìn thấy nhiều cá thể rùa quý hiếm bơi tung tăng ở vùng biển địa phương.
Rùa biển quý hiếm bò lên bãi biển Nhơn Hải đẻ trứng. Ảnh: Ngọc Nhuận.
Rùa biển quý liên tục bò lên bãi
Hai ngày trước, cá thể rùa dài 1 m, nặng hơn 80 kg đã bò lên khu vực bãi biển Mũi Cồn ở thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) tìm nơi đẻ trứng.
Ngư dân thường gọi cá thể rùa biển này thuộc loài rùa xanh quý hiếm, tên khoa học Chelonia mydas.
Ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng nhóm tình nguyện bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải, cho biết, thông thường mỗi khi chuyển trời hoặc mưa giông, rùa bò lên bãi đẻ trứng từ tháng 4 đến tháng 8 AL nhưng đến nay loài này vẫn còn đẻ trứng là trái mùa.
Khác với nhiều làng chài ven biển, đảo cả nước, ngư dân nơi đây nhìn thấy rùa quý hiếm như "cơm bữa". Đầu tháng 9 vừa qua, một cá thể rùa nặng khoảng 70 kg bò lên bãi cát của địa phương đẻ trứng.
Ông Minh kể, rùa biển bò lên bãi đẻ thường chọn nơi vắng vẻ, thông thường đào khoảng 3 hố cát rồi chọn một nơi để đẻ trứng. Sau đó, rùa mẹ lấp cát ngụy trang cả ba hố nhằm tránh hiểm nguy cho tổ trứng rồi quay trở về biển.
Từ lâu ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), người dân đã tín ngưỡng loài rùa biển là con vật "linh thiêng"- một trong bốn linh vật long, lân, quy (rùa), phụng.
Từ đầu năm 2011 đến nay, Chi cục khai thác và bảo vệ thủy sản Bình Định triển khai chương trình bảo tồn rùa biển dựa vào cộng đồng tại địa phương càng phát huy hiệu quả tích cực.
"Đường dây nóng đặc biệt"... bảo tồn rùa
Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, tình nguyện viên bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải, cho hay 10 năm trước, rùa lên bãi cát đẻ trứng nhiều vô kể, một số người dân địa phương đào cát nhặt trứng mang ra chợ bán nhưng những năm gần đây thì tình trạng này không còn nữa.
Nhiều năm qua, số điện thoại cá nhân của các tình nguyện viên trở thành "đường dây nóng đặc biệt" nhận cuộc gọi báo tin của người dân địa phương bất kể ngày đêm để cùng bảo vệ loài rùa biển.
Điển hình như trường hợp anh Hồ Văn Lai đánh bắt thủy sản phát hiện cá thể đồi mồi nặng hơn 50 kg mắc lưới hay chị Kiều đang phơi cá ven bờ phát hiện rùa bò lên bãi... là cấp tốc gọi điện báo tin ngay cho các tình nguyện viên có mặt cứu hộ kịp thời, thả lại về biển", Sáng thổ lộ.
Giờ đây, ngư dân làng chài Nhơn Hải mỗi khi gặp rùa biển ngoi lên mặt nước là thả vài con cá nhỏ làm thức ăn cho chúng. Thỉnh thoảng họ cùng nhau tôn tạo bãi cát dọc ven biển nhằm tạo không gian thông thoáng cho rùa bò lên bờ đẻ trứng.
Thống kê sơ bộ của Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trung bình mỗi năm, loài rùa biển quý hiếm bò lên bãi ven biển địa phương đẻ từ 9 đến 10 ổ (mỗi ổ từ 60 đến 120 trứng, tỷ lệ nở con đạt rất cao).
Vùng biển xã Nhơn Hải được thiên nhiên ưu đãi nhiều rạn san hô, các loại rong, rêu..trở thành nguồn thức ăn phong phú tạo môi trường thuận lợi cho các loài rùa biển sinh sản, phát triển tốt.
Trao đổi với Zing.vn, ông Ngô Đức Tình, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, rùa biển là loài động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng nằm trong sách Đỏ của Việt Nam và thế giới cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Do vậy địa phương đã lập tổ bảo tồn rùa biển với 6 tình nguyện viên thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, giám sát rùa biển lên bãi đẻ trứng.
Vị chủ tịch xã, cho biết thêm địa phương còn huy động đoàn viên, thanh niên lập mạng lưới cơ sở tại các thôn trên địa bàn thường xuyên lồng ghép tuyên truyền trong nhiều cuộc họp khác nhau kêu gọi người dân cùng chung tay bảo tồn loài rùa biển quý hiếm.
Nhờ vậy, giờ đây du khách trong nước và quốc tế đến tham quan vùng biển Nhơn Hải có thể lặn ngắm nhiều cá thể rùa biển bơi tung tăng giữa những rạn san hô tuyệt đẹp hiếm nơi nào có được.
Lập đề án bảo tồn thủy sản ở vịnh Quy Nhơn
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu vừa ký duyệt đề án lập khu bảo tồn biển khu vực vịnh Quy Nhơn do cộng đồng địa phương quản lý.
Theo đó, khu bảo tồn vịnh Quy Nhơn do cộng đồng quản lý với gần 36.360 ha bao gồm vùng nước ven biển thuộc các xã: Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và phường Gềnh Ráng (TP Quy Nhơn).
Mục tiêu của đề án này là nhằm bảo vệ môi trường sống quan trọng cho các loài thủy sản; phục hồi giống, loài thủy sản quan trọng có giá trị kinh tế; loại bỏ việc đánh bắt bất hợp pháp hoặc đánh bắt hủy diệt trong vùng...
Đây là giải pháp tạo nhiều cơ hội việc làm cho cộng đồng về du lịch sinh thái biển; giảm áp lực khai thác ven bờ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, giữ gìn hệ sinh thái biển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét